Di sản Ngô Việt

Văn hóa

Một phần Tây Hồ. Nhà thủy tạ ở mé trái được coi là để đánh dấu nơi bắn cung trong thời kỳ Ngô Việt.

Ngô Việt đã thắt chặt ưu thế kinh tế và văn hóa của khu vực Ngô-Việt tại Trung Quốc trong nhiều thế kỷ sau này cũng như tạo ra truyền thống văn hóa khu vực bền lâu và khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của Vương quốc là các nhà bảo trợ có tiếng cho Phật giáo cũng như cho các trang trí kiến trúc, đền miếu, các tượng tôn giáo có liên quan tới Phật giáo. Các khác biệt về văn hóa, đã bắt đầu phát triển trong thời kỳ này và còn tồn tại đến ngày nay, do người dân khu vực Ngô-Việt nói bằng phương ngữ gọi là tiếng Ngô (biến thái đáng chú ý nhất của nó là tiếng Thượng Hải), cũng như họ có các đặc điểm văn hóa khác biệt, như trong nghệ thuật ẩm thực.

Cơ sở hạ tầng

Di sản vật thể mà Vương quốc Ngô Việt để lại là sự hình thành của hệ thống các sông đào và kênh đào, cho phép khu vực này trở thành khu vực giàu có nhất về mặt nông nghiệp của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Điều đó có thể nhận thấy qua một loạt các đền, miếu thờ Tiền Lưu trong cả khu vực này, trong số đó nhiều đền miếu còn tồn tại đến ngày nay.

Di sản cá nhân

Đền thờ Tiền Vương tại Hàng Châu, một trong nhiều miếu thờ các vị vua Ngô Việt còn tồn tại trên lãnh thổ của nhà nước này trước đây.

Tiền Lưu còn được gọi là "Long Vương" hay "Hải Long Vương" do các kế hoạch trị thủy to lớn của ông với ý đồ "chế ngự" biển cả. Các vua Ngô Việt vẫn tiếp tục có được sự nhìn nhận tích cực trong sử sách chính thống. Họ được quần chúng sùng kính và yêu mến là do các công trình điều tiết thủy lợi, đảm bảo cho sự thịnh vượng kinh tế trong khu vực, cũng như do sự chấp nhận thần phục nhà Tống, một lựa chọn không phải dễ dàng, nhưng nó đảm bảo cho cả quá trình thống nhất Trung Quốc được diễn ra suôn sẻ lẫn đảm bảo cho khu vực này không bị chiến tranh tàn phá.

Trong thời kỳ đầu nhà Tống, họ Tiền đã từng được coi là chỉ đứng hàng thứ hai sau họ Triệu, là họ của hoàng tộc, như được phản ánh trong Bách gia tính thời nhà Tống. Sau này, nhiều đền miếu đã được xây dựng khắp trong khu vực Ngô-Việt để tưởng niệm các vị vua của nhà nước này, và đôi khi người ta còn đến đây để cầu mưa gió thuận hòa cùng mùa màng bội thu. Nhiều đền miếu, được biết đến như là "miếu Tiền Vương" hay "đền Tiền Vương", còn tồn tại đến ngày nay, trong số đó được nhiều người đến viếng thăm nhất là ngôi miếu gần Tây Hồ, Hàng Châu.

Người ta cho rằng Tiền Lưu có trên 100 con trai, do nhiều bà vợ và thê thiếp sinh ra. Dòng dõi của ông có ở khắp nơi trong lãnh thổ của vương quốc cổ này. Họ Tiền cũng cực kỳ phổ biến trong khu vực. Một vài chi, nhánh được coi là "danh gia vọng tộc" trong khu vực họ sinh sống.[1]